Kính và mặt dựng kính là loại vật liệu hoàn thiện được xem là tối ưu cho không gian đẹp, bề mặt nhẵn bóng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật xây dựng. Thích hợp tạo nên những công trình nguy nga tráng lệ.
Trên thế giới, mặt dựng kính rất phát triển, tạo ra xu thế cho kiến trúc hiện đại. Mặt dựng kính xuất hiện làm thay đổi bộ mặt kiến trúc công trình và trở thành trào lưu tại Việt Nam. Sử dụng nhiều nhưng có lẽ để áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam thì vẫn là trăn trở của các nhà thiết kế.
Hệ thống mặt dựng kính thường là kết cấu bao của công trình. Nó là một bộ phận quan trọng của nhà cao tầng và quan trọng hơn trên các yếu tố: công năng, thẩm mỹ, giá thành.
Hệ thống mặt dựng kính
Với mỗi hệ có một đặc điểm thi công khác nhau nhưng có một số yêu cầu kỹ thuật chung khi thi công mặt dựng kính cần được đảm bảo, gồm: khả năng chịu lực; an toàn sử dụng và độ ổn định; độ kín khít (độ lọt khí, độ lọt nước); chịu va đập, an toàn khi kính bị vỡ; cách âm, cách nhiệt và truyền ánh sáng tự nhiên.
Ngoài đảm bảo các yêu cầu về kĩ thuật, hệ thống mặt dựng kính phải được thiết kế sao cho thuận tiện, tiết kiệm, đảm bảo thẩm mĩ, phù hợp. Mặt dựng kính ngoài việc đảm bảo an toàn, vững chắc còn tạo sự thông thoáng bên trong, tiết kiệm các thiết bị điện.
Tác nhân gây hư hỏng
– Do gió:
Đây là hư hỏng phổ biến nhất và phá hủy nặng nề nhất. Đây là mối quan tâm chính của các kĩ sư thiết kế. Tuy nhiên không có phương pháp tính toán chuẩn cho thiết kế của mọi mặt dựng tường kính với kích thước và hình dáng khác nhau. Đặc biệt là các công trình hiện đại có xu hướng không đều đặn và có hình dáng phức tạp và được xây dựng trong vùng có ảnh hưởng lớn của địa hình và trung tâm các đô thị lớn.
Các thiệt hại do gió gây ra cho mặt dựng kính không gây sụp đổ công trình nhưng nó gây mất mỹ quan, nguy hiểm cho người sinh sống bên trong và người đi lại bên dưới tòa nhà. Ngoài ra, việc sửa chữa các hư hỏng đó rất khó khăn, lâu dài và tốn kém.
– Nước:
Đây là hư hỏng thường gặp của mặt dựng kính. Hư hỏng này làm suy giảm kết cấu mặt dựng, gây ra nấm mốc, ảnh hưởng tới chất lượng không khí bên trong nhà. Chất kết dính (keo Silicone) và gioăng cao su là vật liệu chính để ngăn chặn sự lọt nước, tuy nhiên hai vật liệu này có thể bị phá hủy do hệ số giãn nở nhiệt của nhôm gấp 2,5 lần của kính.
– Tác động của nhiệt:
Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa bên trong và bên ngoài mặt dựng gây ra các vết nứt nhiệt. Khi kính bị hư hỏng do nhiệt thì cần phát hiện sớm để thay thế, việc thử nghiệm nhiệt đối với mặt dựng kính là cần thiết, để phát hiện ra sai sót và xử lý trước khi lắp đặt.
Vì sao mặt dựng kính được ưa chuộng
Hiện nay, hầu hết các công trình lớn trên thế giới đều đang sử dụng kính tiết kiệm năng lượng và các nhà đầu tư lớn của Việt Nam cũng bắt đầu lựa chọn sử dụng. Trên thực tế, loại kính này không chỉ mang lại tiện ích tối ưu và nâng cao giá trị cho tòa nhà mà còn mang lại những hiệu quả lớn, hiệu quả lâu dài cho chủ đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành Xây dựng, việc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng sẽ mang đến giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các công trình xây dựng.